Kinh tế Đức trên đà phát triển và tạo ra nhiều công việc, dân số già đi khiến nhu cầu nhân sự chất lượng cao ở các công ty Đức ngày một tăng là những lí do đằng sau việc chính phủ Đức dự thảo bộ luật nhập cư để thu hút nhân tài ở lại quốc gia này sinh sống và làm việc. Theo tổ chức OECD, Đức có chính sách nhập cư tự do nhất trong nhóm các nước công nghiệp. Vậy đâu là những ngành nghề đang thiếu nhân lực và nằm trong danh sách ưu tiên lao động nước ngoài? Hãy cùng Hotcourses tìm hiểu nhé.
Ngành nghề nào đang thiếu nhân lực?
Là cái nôi công nghiệp, Đức luôn mở rộng cửa cho vị trí kỹ sư trong tất cả các lĩnh vực, chuyên gia công nghệ thông tin, và các nhà khoa học tự nhiên. Các vị trí trong ngành chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, điều dưỡng viên cũng nằm trong danh sách ưu tiên của chính phủ do dân số già hóa.
Dưới đây là danh sách 10 vị trí công việc được tuyển dụng nhiều nhất ở Đức theo DEKRA Akademie 2018:
- Lập trình viên, kỹ sư phần mềm
- Chuyên gia tư vấn, nhà phân tích công nghệ thông tin.
- Kỹ sư điện tử, thợ điện
- Y tá, điều dưỡng viên
- Nhà kinh tế học, quản trị doanh nghiệp
- Quản lý khách hàng, tư vấn viên
- Trợ lý sản xuất
- Đại diện tiêu thụ, trợ lý bán hàng
- Giám đốc kinh doanh, giám đốc sản phẩm
- Kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu
Nhóm ngành Kỹ thuật, CNTT, và nhóm ngành Toán học, Khoa học tự nhiên
Trong thời đại công nghệ, nhà khoa học máy tính có vai trò rất quan trọng – khám phá các thuật toán và mô hình giúp chúng ta làm việc với nhau chỉ trong một màn hình nhỏ. Mọi thứ đều vận hành trên nền tảng toán và khoa học máy tính đã khiến vị trí trong ngành được săn đón, trả lương hậu hĩnh. Du học sinh tốt nghiệp một trong các ngành thuộc nhóm kể trên có mức lương trung bình hàng năm khoảng 68.241 €. Bên cạnh cơ hội việc làm vô cùng dồi dào trong các công ty tư nhân, các viện nghiên cứu lớn như Max Planck Society và Fraunhofer-Gesellschaft cũng có nhiều vị trí hấp dẫn.
Đối với ngành kỹ sư, các lĩnh vực chuyên môn được ưu ái là kỹ thuật cơ khí và ô tô, điện, kết cấu, khoa học máy tính, viễn thông. Mức lương trung bình của các kỹ sư tại Đức rơi vào khoảng 70,288 bảng Anh mỗi năm.
Nhóm ngành Y – Dược
Có khoảng 5.000 vị trí bác sĩ hiện đang bỏ trống trong các bệnh viện và cơ sở y tế của Đức. Từ năm 2012, dù là công dân Châu Âu hay không, bạn đều được chào đón và cấp giấy phép hành nghề Y tại Đức. Đây là chính sách quốc gia để thu hút bác sĩ và điều dưỡng giỏi; tất nhiên với điều kiện bạn sở hữu bằng cấp tương đương tốt nghiệp y khoa tại Đức.
Hiện nhóm ngành Y Dược cũng là nhóm ngành có lương thuộc top đầu ở Đức, với mức trung bình năm là 79,538 bảng Anh.
Nhóm ngành kinh tế, kinh doanh và nhóm ngành thiết kế, kiến trúc
Dù không thuộc top 3 nhóm ngành ưu tiên hàng đầu của chính phủ Đức, song cơ hội việc làm và định cư của ngành kinh tế, kinh doanh, và thiết kế, kiến trúc ngày một rộng mở.
Không thể phủ nhận, kiến trúc và thiết kế có sự pha trộn và liên kết chặt chẽ với kỹ thuật, nghệ thuật, và khoa học công nghệ. Do yêu cầu kiến thức liên ngành – thiết kế dựa trên các tính toán về toán học và kỹ thuật, kết hợp sự sáng tạo và hiểu biết công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách ưu tiên kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin cũng phần nào dẫn đến sự ưu tiên trong ngành kiến trúc là vì vậy. Tương tự, một sinh viên ngành kinh tế và kinh doanh có thể làm việc trong một môi trường đa ngành: Từ các công ty tư nhân ở vị trí phân tích thị trường, quản lý quỹ, đến cơ quan nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, hoặc các tòa soạn ở vị trí biên tập viên kinh doanh, chuyên gia kinh tế… Điều này dẫn đến gia tăng cơ hội việc làm cho người ngoại quốc.